Trân trọng kính mời các bạn quan tâm và ủng hộ bộ truyện tranh truyền thuyết Long Thần Tướng tới dự lễ ra mắt tập 1 của bộ sách tại Hà Nội và Sài Gòn. [Vào cửa tự do]
Vào 9h sáng ngày 1/11/2014, tại Trung tâm ngôn ngữ và văn minh Pháp,24 Tràng Tiền, Hà Nội; và vào 8h sáng ngày 2/11/2014 tại Hội trường trường TCCN Tôn Đức Thắng, 98 Ngô Tất Tố, phường 19, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, ba tác giả Khánh Dương – Thành Phong – Mỹ Anh và nhà nghiên cứu Trần Quang Đức sẽ chính thức ra mắt tập 1 của bộ truyện Truyền thuyết Long Thần Tướng. Bộ truyện đã được xây dựng lại mới mẻ hơn rất nhiều so với phiên bản 10 năm trước. Tác phẩm được đầu tư công phu và kỹ lưỡng về cả nội dung, phong cách vẽ cũng như các yếu tố lịch sử, với cốt truyện chặt chẽ, có sự đan xen hài hòa giữa hiện tại và quá khứ, cùng tình tiết truyện lôi cuốn. Tập 1 ra mắt lần này mở đầu cho series 5 tập, hi vọng sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của những độc giả yêu mến và gắn bó với Truyền thuyết Long Thần Tướng trong suốt thời gian qua.

Thông cáo báo chí:
Ra mắt tập 1 bộ truyện Truyền thuyết Long Thần Tướng
10 năm trước, lấy bối cảnh quãng thời gian trước khi diễn ra cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1285), bộ truyện tranh dã sử giả tưởng Truyền thuyết Long Thần Tướng của hai tác giả trẻ Khánh Dương – Thành Phong đăng dài kì trên tạp chí Truyện Tranh Trẻ đã gây được tiếng vang lớn, được rất nhiều độc giả yêu thích Rất tiếc, sau 1 năm xuất bản, tạp chí Truyện Tranh Trẻ đã ngừng phát hành khiến Truyền thuyết Long Thần Tướng phải kết thúc trong dang dở.
Cuối năm 2013, thông tin về việc tái khởi động lại bộ truyện được đăng tải trên trang Facebook Phong Dương của 2 tác giả, gây được sự quan tâm lớn từ độc giả. Đặc biệt hơn, thay vì phụ thuộc vào đơn vị tài trợ, hai tác giả quyết định sử dụng hình thức crowdfunding (gây vốn cộng đồng) đang rất thịnh hành trên thế giới để sản xuất tác phẩm này. Khởi động từ ngày 1/4/2014, chỉ sau 2 tháng, dự án crowdfunding cho tập 1 bộ truyện tranh Truyền thuyết Long Thần Tướng đã gây quỹ được 330 triệu đồng, trở thành dự án crowdfunding có kết quả lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam.
Với thành công này, nhóm tác giả đã chính thức bắt tay vào làm lại bộ truyện. Không chọn cách viết tiếp những gì trước đó, Thành Phong – Khánh Dương , và một họa sĩ mới của bộ truyện,Mỹ Anh, đã đổi mới hoàn toàn cốt truyện và phong cách vẽ. Đặc biệt, tác phẩm còn có sự cố vấn về hình ảnh và ngôn ngữ của nhà nghiên cứu văn hóa sử Trần Quang Đức, tác giả cuốn sách Ngàn năm áo mũ, với kì vọng sẽ đem tới một bộ truyện dã sử giả tưởng thực sự hấp dẫn.
Một trải nghiệm hoàn toàn mới.
Trong lần ra mắt sách này, nhóm tác giả tập trung vào tăng cường trải nghiệm của độc giả. Lần đầu tiên trong lịch sử xuất bản tại Việt Nam, một cuốn truyện tranh được xuất bản kèm với các sản phẩm như poster, tượng mô hình. Không chỉ nhằm mục đích trang trí, sưu tầm, mỗi bức tượng, mỗi tấm poster đều đi kèm 1 câu chuyện, giúp cho người đọc có thể hiểu thêm về cốt truyện.
Mặc dù gây được tiếng vang với nét vẽ cứng cáp, mạnh mẽ, chi tiết ở lần xuất bản 10 năm trước, nhưng trong lần tái xuất này, hoạ sĩ Thành Phong quyết định sử dụng một phong cách khác. Nét vẽ phóng khoáng, đơn giản, ước lệ, đi kèm với đó là phương pháp đổ tone bằng màu nước hiếm gặp khi sản xuất truyện tranh. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả khi làm nổi bật lên nét cổ kính của truyện.
Tạo hình nhân vật được xây dựng lại mới lạ hoàn toàn so với phiên bản cũ. Đặc biệt, một trong những thể nghiệm táo báo của nhóm tác giả, là cho toàn bộ dàn nhân vật nhuộm răng đen. Răng đen, là đặc trưng của người Việt, nhưng từ trước tới nay, chưa có 1 tác phẩm, bộ phim cổ trang nào của Việt Nam xây dựng hình ảnh nhân vật lịch sử với hàm răng đen nhánh. Với cách xây dựng tạo hình, trang phục nhân vật, nhóm tác giả muốn khẳng định “Đây chính là hình ảnh ông cha ta ngày xưa”.
Sau khi phát hành tập 1, nhóm tác giả sẽ tiến hành 1 đợt crowdfunding để tạo không khí, quảng bá, và gây quỹ cho tập 2 của bộ truyện. Đợt crowdfunding dự kiến sẽ bắt đầu ngay tháng 11, và kết thúc vào khoảng giữa tháng 12-2014. Ngay sau khi đợt crowdfunding này kết thúc, việc sản xuất tập 2 sẽ bắt đầu tiến hành.
Về nhóm tác giả
Họa sĩ Nguyễn Thành Phong
Nguyễn Thành Phong là một trong những tác giả truyện tranh hàng đầu Việt Nam hiện nay. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Thành Phong hoạt động như một nghệ sĩ truyện tranh độc lập và đã dành được không ít thành công trong và ngoài nước. Trong đó, có những tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận như tác phẩm The boy and the paper plane (2007), Bicof Story (2010), Người hóa hổ (2011),… Năm 2011, tác phẩm Sát thủ đầu mưng mủ được xuất bản, dù chỉ trong 2 tuần trước khi bị thu hồi nhưng đã trở thành một trong số những cuốn truyện bán chạy nhất năm.
Trong dự án Truyền thuyết Long Thần Tướng này, anh sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng mỹ thuật và sẽ vẽ tuyến truyện chính.
Họa sĩ Nguyễn Mỹ Anh
Nguyễn Mỹ Anh hiện đang là sinh viên năm thứ hai của đại học Mỹ thuật Hà Nội. Với nickname Butaemon, Mỹ Anh được đánh giá là một trong những họa sĩ truyện tranh trẻ tài năng và có phong cách ấn tượng. Năm 15 tuổi, cô đã được giải thưởng của tạp chí truyện tranh Shonen Jump (Tạp chí truyện tranh hàng đầu Nhật Bản). Trong dự án này, Mỹ Anh sẽ vẽ riêng một tuyến truyện song song với cốt truyện chính.
Biên kịch Nguyễn Khánh Dương
Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống làm báo nhiều năm, Nguyễn Khánh Dương sớm đã bộc lộ khả năng viết lách của mình. Ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, anh không chỉ là tác giả kịch bản của truyện Long Thần Tướng mà còn là công tác viên thân thiết của báo Hoa học trò – Sinh viên. Không chỉ sáng tác kịch bản, Khánh Dương còn có kinh nghiệm trong lĩnh vực biên kịch phim truyền hình với các sitcom đình đám như Nhật ký Vàng Anh (phần 2), Bộ tứ 10A8, 5S Online. Ngoài ra, anh còn có niềm đam mê với sản xuất game mobile thuần Việt và hiện đang quản lý một studio game.
Trong dự án này, Khánh Dương sẽ chịu trách nhiệm nội dung kịch bản cũng như xây dựng hệ thống và lên kế hoạch truyền thông.
Cố vấn ngôn ngữ và hình ảnh Trần Quang Đức
Trần Quang Đức là một trong những nhà nghiên cứu văn hóa sử trẻ tuổi nhất hiện nay. Anh thông thạo Hán Nôm, quan tâm tới lịch sử văn hóa Việt Nam đặt trong sự tương quan đối sánh với các nước Đông Á. Tác phẩm khảo cứu lịch sử trang phục Việt – Ngàn năm áo mũ của anh đã gây được tiếng vang lớn sau khi ra mát và nhận được giải Sách Hay năm 2014 ở hạng mục Phát hiện mới.
Trong dự án này, Trần Quang Đức sẽ chịu trách nhiệm cố vấn ngôn ngữ và hình ảnh cho tuyến truyện lịch sử của tác phẩm.
Mọi chi tiết xin liên hệ
Phong Dương Comics.
Nguyễn Khánh Dương – Phụ trách truyền thông
01688.888.262
phongduongcomic@gmail.com